Khoảng 4-5 năm trở lại đây, việc vay tiền bằng cà vẹt máy “lên ngôi” đến độ số lượng cửa hàng cầm đồ nhận giữ lại xe chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Nhưng nhiều người vẫn tỏ ra hoài nghi, thậm chí là e ngại. Vậy việc vay tiền bằng cà vẹt xe có rủi ro gì không?
“Lợi anh, lợi ả, lợi cả đôi đường”
Về bản chất, không có việc các cửa hàng cầm đồ cho vay bằng cà vẹt xe máy mà việc cho vay vẫn diễn ra như bình thường, tức là người vay sẽ phải cầm cố chiếc xe cho cửa hàng. Nhưng sau khi hai bên ký hợp đồng, cửa hàng cầm đồ sẽ lập một hợp đồng cho phép người đi vay mượn lại chính chiếc xe đã cầm cố và như vậy, thứ duy nhất mà cửa hàng cầm đồ giữ lại chỉ là cà vẹt xe bản gốc. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Luật sư Cao cấp Công ty Luật ANT thì việc cho mượn lại tài sản như vậy là phù hợp với pháp luật vì đã những căn cứ pháp lý được đề cập đến trong Bộ luật Dân sự và nhiều nghị định hướng dẫn liên quan.
Điều khiến việc cho vay bằng cà vẹt ngày càng phổ biến là bởi nó đem lại lợi ích rõ ràng cho cả hai bên, người đi vay và người cho vay. Với người đi vay, họ vừa nhận được khoản tiền cần vay, vừa giữ lại được phương tiện để đi lại, mưu sinh. Điều này là rất quan trọng với người lao động phổ thông, lao động tự do bởi họ không có nhiều tài sản và chiếc xe máy đôi khi vừa là phương tiện đi lại duy nhất của họ, vừa là thứ tài sản đáng giá nhất của họ. Ngoài việc giữ lại phương tiện để mưu sinh thì họ còn yên tâm về tải sản của mình hơn khi được tự tay bảo quản tài sản của mình. Còn với người cho vay, tức là các cửa hàng cầm đồ, thì việc giao chiếc xe cho người vay bảo quản cũng giúp họ giảm đáng kể chi phí kho bãi, chi phí bảo quản tài sản, phòng cháy chữa cháy. Điều này là rất quan trọng trong bối cảnh các cửa hàng cầm đồ đang ra sức cắt giảm chi phí, từ đó có thêm điều kiện để giảm chi phí vay cho khách hàng, tạo ra sức cạnh tranh so với những loại hình vay tín chấp khác mà các công ty tài chính đang cung cấp.
Dù không phải là cửa hàng cầm đồ đầu tiên triển khai kiểu cho vay này nhưng F88, với tư cách là đơn vị cho vay cầm cố tài sản lớn nhất Việt Nam hiện tại, là nơi thủ tục vay bằng cà vẹt xe máy được hoàn thiện đúng chuẩn nhất. Thậm chí, hiện tại, tất cả các khách hàng của F88 đều lựa chọn giải pháp mượn lại chiếc xe khi vay. Doanh nghiệp này cũng cam kết thời gian thực hiện thủ tục vay bằng cà vẹt xe cũng rất nhanh chóng, chỉ 15 đến 30 phút.
Còn đó nhiều ẩn hoạ
Dù rất thuận tiện và có căn cứ pháp lý rõ ràng nhưng việc cho vay bằng cà vẹt xe máy cũng ẩn chứa nhiều rủi ro và chủ yếu xuất phát từ ý thức của cả hai. Đầu tiên, về phía khách hàng, sẽ là rủi ro nếu sau khi vay, cửa hàng cầm đồ không cung cấp bản sao y công chứng cà vẹt xe vì nếu không có bản sao y này, chiếc xe sẽ không đủ điều kiện để lưu thông. Vì vậy, việc quan trọng cần lưu ý là yêu cầu chủ cửa hàng cầm đồ phải thực hiện nghĩa vụ này.
Tiếp theo, cửa hàng cầm đồ cũng phải chịu những rủi ro. Trước tiên, việc nắm giữ cà vẹt xe bản gốc được xem như “cầm đằng lưỡi” vì sau khi mượn lại xe, nếu khách hàng có ý định lừa đảo, họ sẽ đến cơ quan công an báo mất và làm lại cà vẹt. Khi có cà vẹt mới, họ sẽ bán xe và không trả nợ số tiền đã vay. Trên mạng xã hội hiện nay có nhiều hội nhóm kín chỉ nhau cách làm này và nếu hành vi này được thực hiện, người chịu thiệt hại trước mắt sẽ là các cửa hàng cầm đồ.
Tuy nhiên, theo luật sư cao cấp Đỗ Thị Hằng, Công ty Luật TNHH BFSC, thì mọi hành động phạm pháp như thế đều sẽ bị điều tra và các cửa hàng cầm đồ có đầy đủ căn cứ pháp lý để chứng minh tài sản mà khách hàng bán đi trong thời gian vay cầm cố là tài sản của các các cửa hàng cầm đồ. Như vậy, khách hàng sẽ đối diện nguy cơ bị truy tố tội Lợi dụng tín nhiệm nhằm chiếm đoạt tài sản. Bà Hằng cũng cho rằng không phải các cửa hàng cầm đồ không “dám” kiện như những tài khoản ẩn danh trên mạng xã hội thường nói mà họ sẽ tìm cách thuyết phục khách hàng trước, nếu không đạt được thoả thuận thì mới nhờ sự can thiệp của pháp luật. Có thể sẽ mất thời gian nhưng chắc chắn khách hàng cố ý lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ phải đối diện với cơ quan chức năng.
Không thể phủ nhận việc cho vay bằng cà vẹt xe máy là hình thức vay phù hợp với người lao động phổ thông, lao động tự do. Tuy nhiên, để tận dụng sự phù hợp đó và để khoản vay phát huy được giá trị cao nhất thì cả hai bên, bên vay và bên cho vay, đều phải tuân thủ các quy định pháp luật, ý thức rõ ràng việc có vay có trả và những rủi ro pháp lý có thể xảy ra nếu cố tình bùng nợ.